Review phim ĐỈNH MÙ SƯƠNG (The Foggy Mountain)
BỘ PHIM VÕ THUẬT HÀNH ĐỘNG VIỆT NAM HAY NHẤT KỂ TỪ THỜI VUA HÙNG DỰNG NƯỚC
MỘT BỘ PHIM KHÔNG THỂ KHÔNG XEM ĐỐI VỚI CÁC FAN PHIM HÀNH ĐỘNG VÕ THUẬT VIỆT NAM
Đỉnh Mù Sương là bữa đại tiệc mãn nhãn các trường đoạn võ thuật hành động mà rất lâu rồi điện ảnh Việt Nam mới xuất hiện. Đỉnh Mù Sương sở hữu kịch bản đơn giản, nội dung giản đơn, gói gọn mang về ở câu slogan của phim: Có thù, báo thù, lại thêm thù. Có bồ, bỏ bồ, lại có bồ. Có sừng, cưa sừng, lại có sừng. Có cảm giác kịch bản phim làm nền cho các diễn viên phô diễn hết kỹ năng võ thuật tuyệt luân của mình.
Võ thuật trong phim nhanh mạnh dứt khoát, uy lực ngàn cân, đầy đủ các mảng miếng, các trường phái xuất hiện từ Vịnh Xuân, Muay Thái, Quyền Anh, đấm đá, bốc vật, khóa siết, nhu thuật,... vũ khí trong phim cũng đa dạng: Rìu cận chiến, dao, kiếm, dao ngắn, dài, dao đi rừng, dao quắm, nỏ, súng,...
Peter Phạm trong vai võ sĩ đánh thuê Phi, chán nản với đánh đấm, muốn làm người lương thiện nhưng không ai cho anh làm người lương thiện. Anh còn hơi khô khan trong diễn xuất, nhưng có thể chấp nhận được vì bản thân anh là võ sư, không phải diễn viên chuyên nghiệp. Trong phim anh được dịp phô diễn đủ thứ kỹ thuật từ vịnh xuân như nhật tự xung quyền, tam tinh chùy (đấm 3 cú liên tiếp), những đòn chỏ uy lực, đến những cú đá xoay, đá chẻ, đá bay tống sau, nhu thuật, khóa khớp jiujitsu,... đủ cả.
Simon Kook, diễn viên võ thuật Thái Lan, từng được mệnh danh là Tony Jaa thứ 2 của điện ảnh Thái, từng đóng chung với Chân Tử Đan trong phim Diệp Vấn 3, trong phim này sắm vai võ sĩ sát thủ người dân tộc Voong Akor, lạnh lùng ít nói, đã thể hiện rất uy lực những đòn thế của Muay Thái, những đòn cùi chỏ, gối bay tàn bạo và mang đầy tính sát chiêu.
Trương Đình Hoàng, nhà vô địch quyền anh Châu Á, có màn ra mắt đầu tiên trong vai trò diễn viên phim điện ảnh, tuy là nhân vật phụ, xuất hiện ít phút nhưng cũng đã kịp thể hiện mình, để lại dấu ấn qua những cú đấm như búa bổ, chỉ 3 cú đấm, đấm thẳng, móc, vòng nặng ngàn cân gây không ít khó khăn cho nhân vật chính.
Thạch Kim Long trong vai phản diện Ba Râu đóng tốt, vẻ mặt nham hiểm, những cái nhếch mép toát lên đầy vẻ toan tính tàn bạo, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích.
Một số tuyến nhân vật phụ như: vợ Phi, Lành (Trúc Mây đóng) dịu hiền, nhẹ nhàng, diễn xuất khá tốt, gây nhiều xúc động, cô giáo Băng Tâm là một phát hiện mới thú vị, mái tóc tomboy năng động, võ thuật đầy mình, có thể kế thừa Hai Phượng, nhân vật hài hước Gà Tre thêm vào gia vị cho bộ phim, em Trinh phim này diễn chưa tới. Mấy đứa bé diễn tốt, tự nhiên, cảm xúc, tuy nhiên vai diễn là người dân tộc, nhưng đứa bé thỉnh thoảng vẫn nói câu mấy câu tiếng Anh như Ok, yeah. Rồi tâm lý mấy đứa bé khi mới bị bắt giam không tỏ ra sợ sệt, vẫn cười đùa trong lồng giam, chưa thực sự phù hợp với chuyển biến tâm lý nhân vật.
Để phân biệt với những phim sử dụng Muay Thái của Thái Lan hay phim sử dụng kungfu thiếu lâm của Trung Quốc, Đỉnh Mù Sương cần đưa thêm vào những đặc trưng của võ thuật Việt Nam, chất Việt Nam trong từng phân cảnh võ thuật, ví dụ nên đưa thêm nhiều đòn thế vật cổ truyền dân tộc, những đòn bốc, quăng, lăng, quật, khóa, siết,... tại sao lại chọn vật cổ truyền dân tộc mà không chọn Vovinam, bởi vì Vovinam là môn võ đã được hiện đại hóa nhiều, tổng hợp từ nhiều môn vĩ khác, ngoài đòn thế bay người kẹp cổ, nếu lên phim rất khó để phân biệt đòn thế của Vovinam với các môn võ khác, rất khó để tạo nên bản sắc riêng mang đặc trưng võ thuật Việt Nam.
Trong phim cảnh sắc những cánh rừng, đỉnh núi, thác nước Tây Nguyên hiện lên hùng vĩ hoang sơ. Hình ảnh trong phim thiên hướng về tông màu lạnh, u ám, hơi tối, hoặc có thể là do cái máy chiếu trong rạp chiếu phim tôi xem hơi tối. Nên nhiều cảnh hành động không rõ.
Lời thoại trong phim không nhiều, ngắn gọn, đơn giản, nói vừa đủ ý, nhưng từng câu chữ lại nhiều lớp ý nghĩa. Có lẽ các diễn viên chủ yếu xuất thân từ võ sư nên cái gì cần nói thì nói, nói ít thôi, cần gì thì giải quyết bằng nắm đấm cho nhanh. Tôi thích lời thoại kiểu này, tuy nhiên do tôi là người miền Bắc nên nhiều khi nghe lời thoại không rõ lắm.
Phim cũng có một số cú twist, tình tiết bất ngờ bẻ lái. Trong một số cảnh quay võ thuật, máy quay hơi bị rung lắc, quay cận cảnh quá, cắt cảnh, nối cảnh vẫn chưa mượt, chưa ăn khớp.
Giá như phim chau chuốt hơn phần kịch bản, các tình tiết lô gic, hợp lý hơn, chuyển cảnh mượt mà hơn, cắt xén trơn tru hơn thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Ví dụ một số cảnh như: lần gặp mặt đầu tiên giữa võ sĩ Phi và Vàng Akor, cảnh bắt cóc cô giáo Băng Tâm, cảnh Phi đi tìm cô giáo, đoạn cả nhóm bị bắt cóc thoát ra ngoài, đoạn gài thiết bị định vị, hack máy tính... hoàn toàn có thể làm chỉn chu hơn, tốt hơn.
Nước ngoài cũng có rất nhiều phim hành động võ thuật kiểu này, nhưng ở Việt Nam rất hiếm thấy, bởi vì khó làm hơn so với những phim hài nhảm. Nó đòi hỏi các diễn viên phải có nền tảng võ thuật tốt, đạo diễn quay phim chỉ đạo võ thuật cũng phải có những hiểu biết nhất định về võ thuật, động tác ra làm sao, góc máy đặt như thế nào, chỗ nào quay chậm, chỗ nào quay nhanh, cắt cảnh ra sao cho khớp.
Kết phim cũng giống như bao nhiêu phim hình sự tội phạm khác tại Việt Nam. Sau khi nhân vật chính dọn dẹp sạch sẽ, các đồng chí công an xuất hiện và hốt trọn ổ tội phạm, giải thoát người dân lương thiện, bảo vệ đồng bào dân tộc, đem lại cuộc sống bình yên vùng biên giới, đem lại màu xanh cho quê hương, những tiếng chim hòa bình lại cất cao tiếng hót líu lo, hương hoa rừng lan tỏa, từng đàn ong bay đi kiếm mật, con hươu con nai lại xuống sông suối thảnh thơi uống nước, ánh nắng ban mai rực rỡ chiếu sáng đỉnh mù sương. Một cảnh tượng thật sự vô cùng hoàn mỹ, vô vàn xúc động.
Chấm điểm phim: 6/10, cộng thêm 1 điểm do đây không phải là phim hài nhảm, đây là dòng phim võ thuật hành động rất hiếm thấy ở Việt Nam.
Tổng điểm: 7/10
Xem được, không phí tiền, nhất là đối với những fan hâm mộ phim hành động võ thuật Việt Nam.
người yêu thích