Đến Hong Kong Trong Những Ngày Bất Ổn.

Nhắc tới Hong Kong bạn nghĩ tới điều gì đầu tiên? Là những tòa cao ốc chọc trời. Là những món đồ hiệu xa xỉ, hào nhoáng mà mình không thể nào sờ nổi. Là những đoàn người ùa ra như ong vỡ tổ từ những cửa ra tàu điện. Với tôi thì Hong Kong đơn giản chính là những khung cảnh thân thuộc mà tôi đã từng thấy qua những thước phim TVB. Có lẽ nơi tình yêu của tôi dành cho nơi này bắt nguồn từ những bộ phim TVB. Một nơi đầy rẫy những tòa nhà đặc bê tông cốt thép, những tòa chung cư cũ rêu với những căn hộ bé nhỏ san sát như tổ chim, những hẻm vắng còn đọng rác trong mờ tối. Một đô thị không hề thô cứng chút nào. Chỉ cần bấm máy thôi là auto có ảnh đẹp. Để đến và cảm nhận Hương Cảng mình chuẩn bị những gì nhỉ? 1.Trước tiên là vé máy bay: Từ Hà Nội bạn có thể book vé của Jetstar, Hong Kong airline giá vé của chặng bay này rất phải chăng và ổn định. Bay chỉ khoảng 2 tiếng là tới nơi. Chuyến đi vừa rồi mình lựa chọn Hong Kong air. Máy bay rất sạch, đẹp, ghế ngồi rất êm và thoải mái đi kèm cùng 20kg hành lý ký gửi. 2.Tiếp theo là tấm vé thông hành - VISA VISA Hong Kong có dễ không? Mình xin trả lời luôn là không. Khá khó nhọc và rườm rà. Mức độ đòi hỏi giấy tờ, hồ sơ phải thật chính xác, chuẩn chỉ không kém châu Âu. Hong Kong không có DSQ tại Việt Nam nên nếu nộp trực tiếp bạn sẽ nộp qua DSQ Trung Quốc và khả năng cao sẽ bị hành khoảng 4,5 tuần. Tuy nhiên mức lệ phí để có được tấm Visa trên tay bằng cách này chỉ khoảng 30-35$. Vì không có nhiều thời gian nên mình chọn xin visa qua dịch vụ. Mức giá dao động từ 120-150$. Không nhiêu khê như nộp trực tiếp, bạn chỉ cần chuẩn bị hồ sơ công việc, hồ sơ cá nhân, sổ tiết kiệm khoảng 60 triệu kèm xác nhận số dư của ngân hàng. Và sau đó chỉ việc scan gửi cho bên dịch vụ. Nhẹ nhàng, gọn lẹ như một cơn gió. Visa sẽ có sau khoảng 3 tuần. Visa Hong Kong thường có giá trị khoảng 1 tháng kể từ ngày cấp và bạn được lưu trú trong 7 ngày. Nên lưu ý mốc thời gian này để cân đối thời gian giữa việc book vé, book phòng và xin visa nhé. Nếu cần hỏi thêm về dịch vụ Visa bạn có thể inbox mình, mình sẽ cho bạn số điện thoại để tự liên hệ nha. 3. Đến Hong Kong nên ở khu vực nào? Vấn đề vé máy bay và khách sạn thường chiếm tới 50% - 70% ngân sách chuyến đi rồi vậy nên bạn nên cân đối, lựa cơm gắp mắm sao cho phù hợp với tài chính của bản thân và tính chất của chuyến đi. Về vấn đề nơi lưu trú bạn nên tìm hiểu khái lược về những khu vực của Hong Kong. Về cơ bản Hong Kong gồm 4 đảo chính: - Đảo Hong Kong: Đảo lớn thứ 2 - là trung tâm hành chính, kinh tế của Hong Kong. Nếu bạn muốn tận hưởng nhịp sống sôi động của một Hong Kong hiện đại thì khu vực này dành cho bạn. Tất nhiên giá phòng tại khu vực này sẽ rất cao nếu không muốn nói là cao nhất so với những khu vực còn lại. - Đảo Cửu Long (Kowloon): nằm ở bờ bên kia bờ cảng Victoria. Một Hong Kong giao thoa giữa quá khứ và hiện đại hiện hữu rõ nét tại nơi đây. Khu vực này được nhiều khách du lịch lựa chọn bởi mức giá dễ thở hơn đảo Hong Kong, giao thông thuận tiện và điều quan trọng nơi này rất đậm chất TVB mà bạn vẫn thường thấy trên màn ảnh nhỏ. Trong chuyến đi vừa rồi mình lựa chọn Venetian Hostel - là một nhà trọ trong khu chung cư cũ Mirador Mansion. Nằm trên đường Nathan - trục đường chính của đảo Cửu Long. Giá phòng dành cho 3 người mình thuê 1.3 triệu/đêm. Căn phòng chỉ vỏn vẹn khoảng 10m2 và mang phong cách rất Hong Kong. Với mức Giá bất động sản cao ngất ngưởng thuộc hạng nhất, nhì Thế Giới thì bạn cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào cơ sở hạ tầng của khách sạn, nhà nghỉ và cũng đừng quá sốc với mức giá thuê phòng ở xứ này. Về chất lượng của nơi ở mình không có gì để phàn nàn, ngay sát ga tàu điện ( trạm Tsim Sha Tsui - exit D1 rẽ trái khoảng 50m là tới, trạm East Tsim Sha Tsui exit N5 rẽ trái khoảng 30m là tới) từ nơi mình ở đi bộ ra Đại Lộ Ngôi Sao, bờ Cảng Victoria, tháp đồng hồ đều khá gần. À suýt quên có một điểm mình thấy hơi buồn mình bay chuyến đêm nên check in muộn vậy là bác chủ nhà thu thêm 50$HK phụ phí 😥. Lưu ý thêm nữa là bạn phải đặt cọc cho nơi lưu trú 500$HK nhé. - Đảo Lantau: hòn đảo có diện tích lớn nhất HongKong với sân bay Hong Kong và khu giải trí Disneyland. Khu vực này chỉ để tham quan, ít nơi lưu trú. - Đảo Tân Giới: theo mình thì nơi này phù hợp để tham quan, phù hợp với những bạn thích thiên nhiên kề bên đô thị. Với nhiều hoạt động thăm quan, ngắm cá heo hồng và một list những bảo tàng đậm chất Hong Kong. Các đảo được kết nối với nhau qua những cây cầu và hệ thống tàu điện. Hong Kong khá nhỏ, mạng lưới giao thông dày đặc nên bạn ở khu vực nào cũng không quan trọng lắm chỉ cần gần các ga tàu, bến xe bus là ok. 4. Vấn đề nhập cảnh. Mình bay Hong Kong air nên khi ở trên máy bay tiếp viên đã phát sẵn tờ khai nhập cảnh (nếu họ không phát thì khi vào tới lối nhập cảnh sẽ có quầy phiếu để bạn điền nha). Mẫu tờ khai cũng rất đơn giản bạn chỉ cần điền đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ khách sạn, mã chuyến bay. Nếu bạn nào chưa rõ có thể inbox mình chỉ giúp nha. Hải Quan Hong Kong khá khắt khe (theo lời đồn) nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng. Khi nhập cảnh hãy cứ tự tin vui vẻ đưa hộ chiếu và tờ khai cho họ và đương nhiên họ sẽ yêu cầu bạn trình ra vé máy bay khứ hồi. Chắc ăn hơn thì bạn nên chuẩn bị thêm booking khách sạn phòng khi họ yêu cầu. (Mình nhập cảnh thì chỉ thấy họ yêu cầu vé chiều về). Đóng dấu nhập cảnh xong hải quan sẽ kẹp vào hộ chiếu của bạn một mẩu giấy nhỏ hình vuông và phần bill phía sau của tờ khai vừa điền. Hãy giữ lại nhé vì khi xuất cảnh họ sẽ thu lại. Thêm một lưu ý nữa, khu vực nhập cảnh thường cách cửa xuống máy bay khá xa, sân bay Hong Kong rất lớn (khoảng hơn 500 cửa) vậy nên khi xuống máy bay hãy đi tới cửa tàu điện gần nhất để về tới khu vực nhập cảnh. Ở Sân Bay Hong Kong có chỉ dẫn khá rõ ràng, nếu còn mông lung thì bạn hãy cứ đi theo đoàn người thì kiểu gì cũng sẽ tới. 5. Ngôn ngữ và con người: Tiếng Trung (Quảng Đông) và tiếng Anh là 2 ngôn ngữ phổ biến. Người dân Hong Kong phần lớn đều nói tiếng Anh rất tốt. Nhiều người dân Hong Kong ngoài tên khai sinh thì họ thường có thêm một tên gọi bằng tiếng anh và được dùng để xưng hô rất thường xuyên trong giao tiếp thường ngày. (Xem phim TVB chắc bạn rõ điều này rồi) Người Hong Kong lịch thiệp và cũng có phần hơi lạnh lùng. Họ ăn bận thời trang, phong cách và thần thái hơn người Trung Quốc Đại Lục. Người Hong Kong làm việc miệt mài và họ hưởng thụ cũng không tiếc. Tự hỏi không biết người dân Hong Kong đã cố gắng thế nào và chính phủ Hong Kong đã lèo lái Hương Cảng ra sao để từ một vùng đồi núi nhấp nhô một đô thị hiện đại đã được mọc lên với những sự phát triển vượt bậc. Không rõ sự giàu đẹp này có bao nhiêu phần do những tinh hoa của người Anh đem đến. 6. Dạo Qua Một Vòng Ẩm Thực Hong Kong. Nếu bạn là người sống để ăn thì còn lăn tăn gì mà không tới Hong Kong. Ẩm thực Hong Kong không phải là ngon mà là quá ngon. Với vô vàn những nhà hàng đạt ngôi sao Michelin thì chắc mình không cần bàn tới. Tới mấy nhà hàng này thì hãy cứ xác định tâm thế phải lấy số, xếp hàng đến cả tiếng đồng hồ nhé, nhưng khi được thưởng thức những siêu phẩm của những nơi đó thì sự chờ đợi của bạn hoàn toàn xứng đáng. Ở Hong Kong nếu muốn tìm một quán ăn mà đồ ăn rất DỞ là hơi bị khó. Chỉ cần vô đại một quán ăn bình dân ở đảo Cửu Long bạn cũng đã có một bữa ăn tuyệt vời rồi. Mình không phải quảng cáo cho ẩm thực Hong Kong đâu nhưng mà đồ ăn của họ ngon thực sự, chỉ có một điểm mình không thích là đồ ăn của họ hơi nhiều dầu mỡ. Món ăn nào cũng có sự hiện diện của dầu mỡ. Từ những đĩa rau họ cũng đều phết lên một lớp dầu hào tạo bóng. Nếu bạn là người chỉ ăn để sống hoặc đang thực hiện chế độ ăn kiêng nào đó thì Hong Kong có lẽ là một nơi không thuộc về bạn. Mình đã phải sa ngã trước món Dimsum, vịt quay và ngỗng quay của Hong Kong. - Dimsum: món điểm tâm sáng quen thuộc của người Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan. Mình mê món này từ hồi đi Đài Loan. Và tất nhiên món ăn này bạn có thể thưởng thức erywhere. Từ những quán ăn bình dân tới những nhà hàng sang trọng đều có sự hiện diện của món ăn này trong thực đơn. Những nhà hàng nổi tiếng về Dimsum có thể kể tới: One Dim Sum, Lei Garden Restaurant - Wan Chai. - Cơm vịt quay, mì vịt quay : hai món ăn quốc dân này cũng có tần suất xuất hiện không kém gì Dimsum và hương vị của chúng cũng sẽ khiến bạn khó kìm lòng được. - Ngỗng quay: mình không biết dùng từ ngữ như nào để diễn tả hương vị của món ăn tuyệt vời này nữa. Hãy đến Ki's Roasted Goose Restaurant và trải nghiệm nhé. Đây là một trong những quán ăn khá lâu đời của Hong Kong (từ năm 1976). Chỉ cần tới cửa ngắm những con ngỗng quay vàng ươm bạn đã muốn sà vào ngay rồi. Mấy ngày liền ăn đồ Hong Kong chắc chỉ còn nước lăn về thôi. Hong Kong không chỉ là nơi chi phí đắt đỏ, mà còn là nơi có những quả cherry, quả đào, quả dâu chín mọng với mức giá rẻ bất ngờ. Tới Hong Kong hãy tranh thủ tận hưởng những thứ hoa trái này như một đặc ân và cũng rất hợp lý nếu bạn mua về làm quà. 6. Shopping Từ những khu chợ đêm bình dân tới những trung tâm mưa sắm đặc biệt vào dịp cuối năm người dân Đại Lục qua mua sắm để chuẩn bị cho tết cổ truyền thì khắp Hong Kong đâu đâu cũng tràn ngập làn sóng giảm giá, khuyến mãi, miễn thuế tứ tung. Sẽ rất uổng phí chuyến đi nếu bạn không mua sắm tại Hong Kong. 7. Phương tiện đi lại Xuyên suốt chuyến đi mình di chuyển chủ yếu bằng tàu điện MRT. Như mình đã nói Hong Kong rất nhỏ và mạng lưới phương tiện công cộng dày đặc vậy nên bạn có thể di chuyển dễ dàng tới hầu hết các địa điểm tham quan bằng loại phương tiện này. Mỗi ga tàu điện đều có đến hàng chục hay tận mấy chục cửa ra vậy nên bạn hãy chú ý đọc kỹ các chỉ dẫn trước lối ra nếu không rõ thì hãy hỏi chị Gu Gồ hoặc nhân viên ga tàu. Bạn có thắc mắc tại sao ăn uống như vậy sao người dân Hong Kong họ không mập không? Theo mình thì có lẽ bởi họ đi bộ, vận động nhiều dưới những trạm tàu điện hằng ngày nên họ mới giữ vóc dáng gọn gàng như vậy đó. Thật sự thì các ga tàu điện của Hong Kong đều rất rộng, như một thành phố dưới lòng đất vậy. Chỉ đi bộ trong 1 trạm tàu điện thôi bạn cũng đã phải cuốc bộ tương đương cả cây số rồi. Một lưu ý quan trọng: bạn nên đặt mua thẻ Tourist Octopus. Tấm thẻ này đa zi năng như thẻ T- Money của Hàn Quốc vậy. Tấm thẻ này có thể giúp bạn vô thẳng cửa tàu điện mà không phải xếp hàng mua vé, lên thẳng cửa xe bus, thanh toán rộng khắp các siêu thị, nhà hàng, quán ăn từ bình dân đến sang trọng. Bạn có thể nạp thêm tiền vào thẻ tại bất cứ ga tàu điện nào. Vậy là bạn chỉ cần trên tay Octopus và đi khắp Hong Kong, mỗi lần thanh toán không cần phải lôi ví ra, cũng không phải nhận tiền trả lại bằng một mớ tiền xu lích kích. - Xe bus 2 tầng: hầu hết toàn bộ xe bus của Hong Kong đều là những chiếc xe 2 tầng. Xe rộng, sạch sẽ, có camera và không hề có mùi. Là những chiếc xe bus mà bạn vẫn thường thấy trong phim TVB đó. Cũng rất thú vị khi lên tầng 2 của xe và phóng tầm mắt nhìn những con đường quanh vịnh Cửu Long qua ô kính xe bus. - Xe điện Tram: là những siêu xe của thập niên 20 mà bạn đã từng thấy trong những bộ phim TVB cổ điển. Hãy leo lên chuyến xe Tram lăn bánh trên đường ray nhỏ kéo theo phía trên là sợi dây cáp chạy dọc theo mạng lưới dây điện chằng chịt. Nếu muốn trải nghiệm những nét đẹp hoài cổ thì đừng bỏ qua phương tiện này. (Mình book vé trên klook). Thường xe sẽ đi theo lộ trình từ ga chợ Western tới vịnh Đồng La (Causeway Bay) và ngược lại. Vé xe được miễn phí ngày hôm sau tuy nhiên mình cũng đâu có dư giả thời gian, trải nghiệm lịch sử giao thoa với hiện đại khoảng 2 tiếng trên xe vậy là đủ rồi. - Taxi: phương tiện này mình không khuyến khích mọi người vì nó không kinh tế cho lắm. Nói vậy chứ trong một số trường hợp vẫn phải leo lên taxi. Chẳng hạn bạn đi chơi chợ đêm, hay mấy khu phố đêm như Lan Kwai Fong, Du Ma Địa... mà về quá khuya tàu điện, xe bus lúc này đã ngưng hoạt động thì chỉ còn lựa chọn đi bộ hoặc taxi. Tốc độ di chuyển của taxi Hong Kong mình có thể dùng từ "tốc độ bàn thờ" để diễn tả. Do vậy mà khi qua đường bạn cũng cần phải quan sát kỹ (khi qua đường ở Hong Kong mà không tuân thủ theo đèn tín hiệu bạn có thể sẽ bị phạt đó). Ở một góc độ khác thì những chiếc xe sơn đỏ này cũng là những sắc màu đặc trưng của đường phố Hong Kong. - Phà: phương tiện chuyên chở được nhiều người yêu thích. Không phải vì phương tiện này nhanh hay ưu việt. Điều đơn giản mà nó được yêu thích đến từ khung cảnh tuyệt đẹp 2 bên bờ bạn sẽ được chiêm ngưỡng, phà Star Ferry là một nhân chứng lịch sử. Từ cảng Victoria phía bên Tsim Sha Tsui hay từ bến Star Ferry phía bên Central đảo Hong Kong bạn hãy thử leo lên những "du thuyền bình dân" này vào dạo 1 vòng ngắm 2 bên bờ với những tòa tháp cao chọc trời trong những sắc đèn đầy hoa lệ ở đảo Hong Kong. Ở phía sau là ngọn núi The Peak xanh mướt làm phông nền. Một khung cảnh rất quen thuộc trong những bộ phim TVB. Và tất nhiên có thẻ Octopus trong tay bạn chỉ cần đi thẳng tới cửa bến phà và quẹt thẻ rồi lên phà ngắm cảnh thôi. 8. Tới Hong Kong thì chơi những đâu? - Đại Lộ Ngôi Sao (avenue of stars) , tháp đồng hồ, cảng Victoria: Ba địa điểm nằm dọc bên bờ cảng khu Tsim Sha Tsui. Từ nhà trọ nơi mình ở đi bộ dọc đường Nathan là tới. Nếu đi bằng tàu điện bạn có thể xuống trạm Tsim Sha Tsui hoặc East Tsim Sha Tsui. Tới những địa điểm này chắc bạn sẽ ồ lên: ra là cảnh phim TVB đã từng quay ở đây. Dưới ánh nắng buổi sớm phía bờ bên kia đảo Hong Kong, những tòa cao ốc hiện lên sau màn hơi nước hơi mờ mờ. Đi dọc theo dải đường từ cảng tới Đại Lộ Ngôi Sao bạn sẽ thấy ngày cũng như đêm, con đường luôn nêm kín người. Thậm chí buổi đêm có nhiều người bản địa đi câu cá rồi họ ngủ qua đêm tại bến phà luôn. Làn nước mang một màu xanh, tuy không được sạch như mình kỳ vọng nhưng vẫn đẹp như trong phim TVB mình từng xem. Cảng Victoria cũng là một nơi lung linh đa sắc màu nhất về đêm tại Hong Kong. Hằng ngày, khi mà chuông đồng hồ điểm 20h thì những tòa cao ốc 2 bên bờ cảng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Với những ánh đèn đa sắc, những tia laser, đèn rọi được đồng bộ hóa với âm nhạc tạo nên bản giao hưởng ánh sáng rực rỡ, sinh động nhất. Bản giao hưởng diễn ra khoảng 15 phút với các chủ đề Thức tỉnh, Sức mạnh, Di sản, Hợp tác và Kỷ niệm. Hãy chọn một vị trí đắc địa để ngắm nhìn và lắng nghe lời tường thuật bằng tiếng anh. Đại lộ ngôi sao: vẫn xanh, vẫn đẹp vẫn huy hoàng như trên phim ảnh. Nhưng khi mình tới đã có nhiều sự thay đổi. Bàn tay và chữ ký của những siêu sao đã di dời từ mặt đường lên thành lan can của đại lộ. Tượng Đài Lý Tiểu Long cũng đã xê dịch ra vị trí khác (lui vào phía bên trong của Đại Lộ) Theo mình sự thay đổi này đã khiến mọi cảnh sắc của Đại Lộ Ngôi Sao kém đẹp hơn nhưng cũng nhờ sự thay đổi đó mà con đường như rộng và thoáng hơn. Không còn cảnh từng lớp người chen chúc chụp ảnh với tượng đài, chen nhau ướm vào bàn tay của các siêu sao. Mình chỉ có chút hụt hẫng thôi. - Đường Nathan, Hanoi Road, Quangninh Road, HaiPhong Road, SaiGon Roat.....bạn không đọc nhầm đâu. Những con đường với những cái tên in dấu quê nhà trên đất Hong Kong đó. Dọc những con đường này là những cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại san sát nhau. Những quán ăn luôn đặc kín khách. Những chung cư từ mới tới cũ san sát, đan xen. Nếu bạn là người đam mê chụp ảnh street life, chụp đêm như tui thì những con đường ở Hong Kong luôn là nguồn cảm hứng bất tận. - Du Ma Địa (đảo Cửu Long): nhiều người sẽ nói khu vực này thì có gì mà chơi? Với mình thì tới đây có cảm giác thân thuộc lắm. Những tòa chung cư cũ, nhiều màu sắc xuất hiện nhiều trong thước phim TVB. Khu vực nhiều người dân bản xứ với nhiều tầng lớp khác nhau từ lao động phổ thông, tới nhân viên văn phòng, những người dân trung lưu hay thậm chí là những người vô gia cư luôn ngước lên nhìn những tòa nhà, những người khách qua đường trong ánh mắt đục ngầu và mảnh chăn rách phủ che bàn chân lạnh cóng. Những hẻm vắng mịt tối với những tiếng bước chân của người đi làm về muộn. Hãy thử tới đây vào một buổi tối ( có thể tranh thủ đi chợ Quý Bà rồi tiện đường qua đây). Tới rồi thì bạn hãy rảo bước một vòng, thấy mệt thì nghỉ chân tại một quán vỉa hè hay quán ăn địa phương ven đường gọi chút đồ ăn, thêm ly trà nóng hoặc một lon bia vừa nhấm nháp vừa nhìn dòng người qua lại không ngừng, những chiếc taxi đỏ chói vẫn vút qua đều đặn trong đêm. Có lẽ đây là nơi đậm chất Hong Kong nhất mà mình tìm kiếm lâu nay. - Chung cư chụp hình sống ảo Yick Fat Buildings: nơi này quá nổi tiếng sau bộ phim transformer 4 với những dãy chung cư cũ kỹ, nhiều sắc màu và mọc cao ngun ngút đan xen lên nhau vươn tới tận trời xanh. Nếu đã từng xem qua những bộ ảnh về Hong Kong chắc bạn sẽ thấy nhiều hình ảnh về nơi này. Mặc dù dân ở đây cấm chụp hình nhưng hằng ngày vẫn từng hàng dài xếp hàng check in vì background quá ấn tượng. Cách di chuyển: đi MRT line xanh lam hoặc line tím tới trạm Quarry Bay station exit A rồi đi bộ khoảng 500m là tới hoặc Tai Koo station - line xanh lam - exit B - Sân bóng rổ Choi Hung Estate (ga Choi Hung line xanh lá - exit c4) là một sân bóng trên sân thượng một bãi đỗ xe. Xung quanh bốn bề là những tòa chung cư rực rỡ sắc màu. Khác với Yick Fat cổ kính rêu phong thì nơi nay mang một hơi hướng hiện đại hơn. Tới 2 nơi này bạn chỉ cần biết tạo dáng bất động một chút là có ảnh đẹp mang về. - THE PEAK (núi Thái Bình) ngọn núi đẹp và cũng là địa điểm tham quan nổi tiếng nhất tại Hong Kong. Dù bạn đi vào lúc nào, giờ nào thì nơi này vẫn đông. Nếu dư giả thời gian bạn có thể xếp hàng trải nghiệm xe Peak Tram từ thập niên 20 chạy dọc theo sườn núi. Đây cũng là nơi đắc địa nhất để ngắm nhìn đô thị Hong Kong từ trên cao đẹp một cách choáng ngợp (mình mới chỉ thấy qua những bức ảnh chụp trên instar thôi). Thật buồn vì mấy ngày mình tới Hong Kong đều mưa tầm tã, thời tiết không ủng hộ để lên núi thưởng ngoạn. Theo kinh nghiệm của những tiền bối đi trước thì nên tới đây trước khoảng 2 tiếng để ngắm hoàng hôn là thích hợp nhất. Nếu có dịp, trong chuyến đi tiếp theo mình nhất định sẽ chinh phục cho được nơi kỳ vĩ nhất xứ Cảng Thơm này. - Sky 100: nếu không ngắm được Hong Kong trên cao từ núi Thái Bình như mình thì bạn có thể tới tầng 100 tại nơi này phóng tầm mắt ngắm 2 bên bờ cảng Victoria. Nhưng theo mình thì ngắm cảnh trực tiếp trên núi vẫn tuyệt vời hơn rất nhiều so với ngắm cảnh qua một lớp kính "hơi mờ" của tòa nhà. Nên tới sky 100 vào ban ngày sẽ đẹp hơn ban đêm. Cách di chuyển: đi MRT tới trạm Kowloon - exit C1 và đi theo chỉ dẫn. - Vịnh Cửu Long: ga Kowloon Bay (line xanh lá) nơi này thì không quá đẹp, quá xanh như cảng Victoria nhưng nơi đây mang đúng chất bến cảng thương mại. Tới đây để ngắm những con tàu, những container cồng kềnh. Cảnh phim TVB ở đây chứ đâu. Đi bộ dọc vịnh bạn xong bạn có thể quay ngược lại và đi men theo sườn đồi ngắm những tòa chung cư mới, sắc màu lung linh mọc lên dọc trên những quả đồi. - Vịnh Đồng La (Causeway bay- đi MRT lime xanh lục - xuống ga cùng tên) địa điểm xuất hiện rất nhiều trên phim ảnh Hong Kong. Là thiên đường ăn chơi, mua sắm của đảo Hong Kong cũng như cả Hong Kong nói chung. Nơi này rất dễ chiều lòng những tín đồ mua sắm, ăn uống khó tính nhất. Với vô vàn những thương hiệu nổi tiếng từ những nhãn hàng xa xỉ tới những phân khúc bình dân. Là đại lộ với cả list những quán ăn gắn sao Michelin. Tại thời điểm mình đi (7/2019) thì các bạn cũng nên lưu ý người dân Hong Kong vẫn đang trong giai đoạn biểu tình nên khi lên lịch trình bạn nên hạn chế tới nơi này vào những ngày cuối tuần. Hôm mình tới là vào chiều chủ nhật, những đoàn người đặc kịt đồng loạt mặc áo đen kéo xuống đường biểu tình dọc những con đường quanh vịnh Đồng La. Tất nhiên các cửa hàng, trung tâm đều buộc phải đóng cửa và mình cũng buộc phải về. Nhưng về cũng đâu có dễ, mấy trạm tàu điện quanh đó đều bị phong tỏa. Phải nhờ mấy anh cảnh sát Hong Kong chỉ dẫn mình mới tìm được trạm tàu điện gần đó còn hoạt động. Xuống tới ga tàu, đoàn người cũng đông không kém gì con đường phía ngoài kia. Cũng thật may vì mình về tới Tsim Sha Tsui xuôn sẻ. Thật ra thì vấn đề này cũng không đáng quan ngại cho lắm. Mình nên tránh vô những khu trung tâm đảo Hong Kong vào những ngày cuối tuần. Còn những khu vực khác vẫn bình yên và các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Sau ngày cuối tuần thì người dân Hong Kong lại trở lại nhịp sống thường ngày với bộn bề công việc, vẫn là những con những hối hả bước thang cuốn để cho kịp chuyến tàu. - Ngong Ping 360 và Tượng Đại Phật. Thiên nhiên kề bên đô thị chính là đây. Nơi đáng để đi nhất ở đảo Lantau. Tới trạm cuối cùng là MTR Tung Chung Station Exit B, đi bộ một đoạn ngắn là tới nhà ga cáp treo. Bạn nên đặt trước vé cáp treo (qua Klook có lối đi riêng) Có hai loại cáp treo là Standard và Crystal, mình khuyên bạn nên chọn Crystal là cáp treo đáy kính cho cảm giác rất thú vị khi băng qua mặt nước, rừng cây phủ dọc sườn núi. Những đám sương mờ bồng bềnh trôi, ngồi trên cáp treo bạn sẽ thấy rõ toàn cảnh sân bay HongKong. Cáp treo dừng ở làng Ngong Ping. Từ đây, đi bộ thêm khoảng 5’ nữa là tới đường dẫn thang bộ lên bức Đại Phật, quảng trường Ngong Ping, Con đường trí tuệ Wisdom Path. View từ trên bức Đại Phật không quá ấn tượng nhưng cũng bõ mồ hôi, công sức leo lên. Bức tượng phật bằng đồng nặng tới 202 tấn được đặt trên đỉnh núi được coi là bức tượng phật lớn nhất thế giới. Nếu thời tiết ngày mình đi mưa không quá to thì mình còn dự định đi thêm Làng chài Tai - O gần đó. - Miếu Huỳnh Đại Tiên - line xanh lá - ga wong Tai Sin - exit B3. Nơi đây chính là biểu tượng cho sự tín ngưỡng trong việc làm ăn, cầu tài lộc, cầu bình an của người dân Hong Kong. Là ngôi đền linh thiêng bậc nhất của xứ cảng. Tới đây bạn sẽ có cái nhìn sâu hơn về phật giáo, tín ngưỡng của người dân Hong Kong. - Thang cuốn Central Mid levels escalators (line đỏ - central station - exit D2) thang máy ngoài trời dài nhất thế giới. Tất nhiên đã được cái danh "nhất" thì cũng đáng để mình thử. Mình khuyên mọi người nên đi hết thang máy rồi tiện đường qua Lan Quế Phường gần đó luôn. - Lan Quê Phường - Lan Kwai Fong: cái tên chắc đã quá quen thuộc với nhiều người, dù chưa từng đến Hong Kong. Chắc mình cũng không cần giới thiệu nhiều về nơi này nữa. Nếu muốn biết Hong Kong về đêm sôi động cỡ nào thì bạn hãy tới đây tìm câu trả lời nhé. - Chợ Quý Bà (ladies Market) thiên đường mua sắm, ăn uống bình dân, giá rẻ. Khu chợ luôn đông đúc ngày cũng như đêm. Cách di chuyển: Ga Mong Kok exit D3 - Chợ đêm phố chùa. Văn hóa chợ đêm đã trở thành bản sắc của nhiều quốc gia đặc biệt là những quốc gia du lịch. Tại Hong Kong có kha khá khu chợ đêm lớn, nhỏ nằm rải rác nhưng khu chợ sầm uất bậc nhất và được khách du lịch đặc biệt chú ý là chợ đêm temple streest. Chợ bắt đầu hoạt động lúc 16h và kết thúc lúc 23h. Chợ được lấy tên từ ngôi đền có tên Tin Hau. Nơi đây chính là bức tranh sinh hoạt đậm nét bản sắc của địa phương với những ánh đèn đỏ rực, những biển hiệu đặc trưng. Là bối cảnh những bộ phim TVB quen thuộc. Khu chợ bày bàn vô số mặt hàng từ quần áo, đồ lưu niệm, đồ điện tử....và có hẳn cả một hàng dài xem bói nữa. Về ẩm thực thì càng không nên bỏ qua nơi này, nhiều vô kể những quán ăn bình dân gắn sao Michelin đang chờ bạn tới xếp hàng. Và những bạn thích săn ảnh đêm thì cũng nên tới đây tác nghiệp. Cách di chuyển: đi MRT ga Jordan- exit A Hong Kong như một ly trà Uống xong một hớp là phải đi ngay. Đó là những trải nghiệm ngắn ngủi nhưng nhớ lâu của mình khi tới Hong Kong. Hy vọng sẽ giúp ích được nhiều cho chuyến đi Hong Kong của bạn. Vì mê phim TVB mà yêu luôn Hong Kong. Và cũng vì yêu Hong Kong nên sẽ còn quay lại. Tạm biệt đô thị lộng lẫy bên bờ biển Đông đang nhỏ dần như bộ Lego và mờ dần theo làn mây. Thanh xuân của tôi nợ Hong Kong một chuyến đi cuối cùng cũng trả được rồi. Cảm ơn mọi người đã kiên trì đọc tới dòng cuối cùng. Cre: https://www.facebook.com/groups/anuongdulich/permalink/1671652109631399/
người yêu thích