Cách nấu chè khoai mì - Món chè miền sông nước
Khoai mì vốn xưa giờ được xem là món chống đối và trở thành người bạn gắn bó với bà con nông dân từ cái thời gian khó ngày xưa, để rồi bây giờ nó đi vào nếp sống nhà quê một phần bởi sự thân quen khó bỏ, và hơn hết nhờ vào vị ngon của những món ăn từ củ khoai mì nhà nghèo này: tô canh khoai mì, nêm lá gừng ăn vừa thơm vừa bùi dữ lắm; rồi còn khoai mì hấp nước cốt dừa; hay bánh tằm mì; bánh phồng khoai mì; bánh khoai mì nướng; rồi khoai mì còn được đem đi nấu thành món chè khoai mì ngũ sắc nữa chứ. Ôi thôi là đủ thứ món, mà món nào cũng ngon và khiến người ta phải lưu luyến.
Chuẩn bị cho nồi chè khoai
Khoai mì đào lên thì phải khéo léo lột vỏ ngoài đi, để lộ ra cái màu khoai trắng tươi, nhưng nhớ chú ý khoai phải được ngâm nước một đêm, rồi rửa sạch, thì mới đem nấu chè được.
Chè khoai mì để nấu thì kể ra thì cũng tốn công dữ lắm chứ hổng chơi đâu. Trước khi bắt tay vô nấu chúng ta phải đi kiếm màu sắc cho món ăn quê hương nữa chứ:
- Đó là trái gấc nở gai, dậy màu cam sáng rỡ;
- Là bụi lá dứa mọc tươi tốt ở góc sân, đem đâm ra, vắt lấy nước màu xanh mát mắt;
- Hay mớ lá cẩm hái lẹ ở ngoài vườn, đem nấu trên bếp một hồi, sẽ động lại cái màu tím thương thương nhớ nhớ;
- Rồi cái màu trắng nguyên sơ của khoai mì
- Và màu vàng cam của đường cát hay đường thốt nốt thắng sôi
Chè khoai vo viên
Xong xuôi thì ra vườn kiếm trái dừa khô, đem nạo rồi vắt nước cốt dừa để riêng, vắt nước dão để riêng. Củ khoai đem rửa sạch lại phải hì hụi ngồi mài ra cho nhuyễn, hoặc mài thành sợi nhỏ nhỏ. Sau đó lại vắt phần khoai này cho thiệt hết nước, thêm một chút bột năng vừa đủ, đem nhồi cho đều, cho kĩ. Lấy xác khoai đã ráo, đem chia phần, trộn chung nước màu đã nấu sẵn, thì sẽ tới phần mà tụi con gái thích nhất đây, đó là vo từng viên khoai mì cho tròn, cho đẹp, rồi xếp vô mâm.
Cách nấu chè khoai mì dẻo thơm
Kế đó mới đem vô xửng mà hấp chính, cho viên khoai định dạng thì lại đem ra, lúc này từng viên khoai chính đều trông bóng lên và dậy màu sắc rất là rực rỡ và bắt mắt luôn đó.
Khoai hấp gần xong thì ở bếp bên kia, mẹ đã bắt nồi dão cốt dừa lên rồi, quấn thêm nắm lá dứa cho thơm, thêm chút đường cho ngọt lịm nữa, đợi sôi, mới nhẹ nhàng thả từng viên khoai mì đã hấp chính vô nấu chung, khi nồi nước sôi lên, từng viên khoai mì nổi bồng bềnh trong nồi nước, thì mới cho nước cốt dừa vô sau cùng, sôi lại là tắt bếp.
Nấu chè khoai mì dẻo thơm
Múc chè ra chén, và rắt thêm nhúm mè rang vàng nữa là hoàn thành món chè vừa ngon, lại vừa đẹp rồi.
Chè khoai mì ngũ sắc
Chè khoai mì ngũ sắc đúng với cái tên của nó, khi dọn ra chén nhỏ những viên chè có đủ 5 màu tươi mát cùng sát cánh bên nhau rạng rỡ khoe mình. Thêm vô đó là màu nước chè nấu bằng nước cốt dừa trắng tươi, điểm mấy hạt mè rang và hơn hết là một mùi thơm đặc biệt, đó là mùi thơm từ củ khoai mì của đồng ruộng quê hương, lại thêm mùi nước cốt dừa béo béo nữa.
Chè khoai mì ngũ sắc
Chè nấu xong là mẹ sẽ múc ra chén, dọn lên mâm, cúng ông bà về hưởng chút vị ngọt quê hương và chứng cho lòng thành kính của con cháu. Xong xuôi thì mới dọn ra để mọi người cùng thưởng thức.
Chè khoai mì dẻo thơm
Chè vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo, lại dẻo dẻo, dai dai, cắn viên nào là thấy ngon lành viên đó liền. Ngoài ra nó còn mang một hương vị ngon khác nữa, đó là cái hương vị của sự gắn kết, chia sẽ trong gia đình. Tía thì lụi hụi đi nhổ khoai, đi thọc dừa khô, má thì lui cui nào dừa và khoai mì, nấu nướng, còn tụi nhỏ thì đi hái lá cẩm, rồi vo viên chè cho đều, đẹp. Vậy đó, nồi chè nhỏ nhỏ, nhưng cả nhà cùng góp công, nên cũng đỡ phần cực nhọc. Mà hình như cũng nhờ vậy khi ăn chè cảm thấy ngon hơn rất nhiều so với đi mua ngoài hàng, ngoài chợ.
Chè củ sắn (chè khoai mì)
Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy người nông dân mình sao mà nhiều tài hoa quá đi hà, từ mấy thứ trái, thứ củ quanh nhà vậy chứ mà làm nên biết bao nhiêu món chè ngon ngọt. Giống như cái củ khoai mì bình dân hết mức vậy đó nha, mà làm nên món chè khoai mì ngũ sắc với màu sắc thật là đẹp đẽ, cái hương vị ngon ngọt, rồi vừa béo, vừa dẻo nữa.
Xem thêm: