BÌNH NGÔ ĐẠI CHIẾN - VIỆT SỬ KIÊU HÙNG

(Một sản phẩm của nhóm ĐUỐC MỒI và ĐẠT PHI MEDIA - hiện đã có trên Youtube - Search là ra) #Tèo_Văn_Trần_review_movie Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, kinh tế mới phất lên được gần chục năm hiện nay, đầu tư cho phim lịch sử, cổ trang còn nhiều thiếu thốn. Truyền hình quốc gia VTV chỉ toàn chiếu phim truyền hình tình yêu trai gái, mẹ chồng nàng dâu, tiểu tam giật chồng, ghen tuông lăng nhăng,... Sự xuất hiện của BÌNH NGÔ ĐẠI CHIẾN - VIỆT SỬ KIÊU HÙNG như thổi một luồng gió mới vào niềm đam mê sử Việt của các bạn trẻ tại Việt Nam. Nội dung phim miêu tả Khởi Nghĩa Lam Sơn và tiêu biểu là trận đánh Tốt Động - Chúc Động vang danh trong sử Việt. Khi nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân đội Minh triều với quân số gấp 5 lần, và được trang bị hiện đại hơn nhiều lần. Một chiến thắng tiêu biểu cho nghệ thuật quân sự của người Việt, viết lại binh pháp, dạy lại cho tướng sĩ quân đội Tàu biết thế nào là: lấy ít địch nhiều, lấy nhu chế cương, kỳ mưu đột kích, binh bất yếm trá. Phim làm cho giới trẻ hiểu rõ hơn về chiến trận, sự hy sinh xương máu của cha ông, cũng như hình tượng các tướng lĩnh Lam Sơn: Lê Triện, Nguyễn Xí, Đinh Lễ. Phim làm theo phong cách diễn họa, từng khung cảnh đường nét trong phim như bức tranh thủy mặc, đen trắng, nổi bật trên đó là màu máu đỏ bi tráng anh hùng, rất hấp dẫn. Giọng lồng tiếng của nhóm Đạt Phi Media trong phim vô cùng chân thực, xúc động, và rung cảm. Âm thanh trong phim được chèn vào chân thực, tiếng binh khí va vào nhau chát chúa, voi rồng, ngựa hí, hỏa khí ầm ầm, đường đao lưỡi kiếm mũi tên cắt rạch xé toang khung hình. Âm nhạc trong phim khá xuất sắc, mang hơi hướng dân ca, lúc náo nhiệt rộn ràng trong buổi lễ hội nơi xóm làng, lúc bi tráng hào hùng khi miêu tả sự hy sinh của các nghĩa quân Lam Sơn. Phim có nhiều cảnh đầu rơi máu chảy nên được gán nhãn 18+, có thể phải đăng nhập tài khoản Google để xác nhận tuổi mới xem được. Phim có cả phụ đề tiếng Anh, Trung để phổ cập và lan tỏa ra toàn thế giới. Tuy nhiên trong phim đôi chỗ xưng hô còn chưa hợp lý, khi thì tỷ muội, khi thì chị em. Có thể nói, Lịch sử Đại Việt cũng hào hùng chẳng thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Khi vó ngựa Mông Cổ giày xéo tung hoành từ Á sang Âu nhưng đến Đại Việt cũng phải quỵ ngã, quân sĩ Nguyên Mông 3 lần quỳ gối xin thua. Việt Nam cũng đã chạm chán và đánh bại 3 trong tổng số 5 nước ngồi ghế thường trực Hội đồng Bảo an LHQ: Mỹ, Pháp, Trung,... Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của VN không thiếu chất liệu lịch sử để làm phim. Chỉ có điều chúng ta không làm và cũng không làm nổi. Lớp trẻ học Sử thông qua những bài giảng khô không khốc trên giảng đường, hỏi làm sao mà chúng nó tiếp thu được. Trong khi đó bọn trẻ bây giờ lại làu làu sử Tàu, tinh thông sử Khựa, thật đau xót lắm thay, trào rơi nước mắt. Thực ra cách đây 10 năm cũng có vài phim lịch sử được làm ra để kỷ niệm, nhưng rồi những phim đó vẫn cất một xó trong kho, bụi đã phủi mờ, rêu phong bám phủ. Khó khăn khi làm phim lịch sử thì vô vàn khó khăn: Những tư liệu lịch sử thiếu thốn, nhiều thứ đã bị giặc ngoại xâm đốt sạch xóa sạch, sách vở cung điện đền đài, nhiều thứ chẳng có gì để tham khảo phục dựng lại. Đạo diễn, diễn viên, biên kịch, cũng chẳng mấy quen thuộc với làm phim lịch sử, vừa khó mà vừa ngại, không muốn làm. Làm phim mì ăn liền cho nhanh. Một khó khăn nữa trong việc làm phim lịch sử đó là: theo thống kê không chính thức, hiện cả nước có khoảng 10 vạn sử gia online trên toàn bộ không gian mạng, hàng ngày họ đang ngồi cào phím soi mói bình phẩm, mỗi khi có một video lịch sử cổ trang nào xuất hiện, họ soi mói bình phẩm móc mỉa từ cái cúc áo, trâm cài tóc, cho đến họa tiết hoa văn thêu thùa trên áo. Nói chung họ ngáo quyền lực ảo của mình, những lời góp ý không mang tính xây dựng, mà chỉ nhằm để thỏa mãn quyền lực ảo tưởng của bản thân, họ sẵn sàng đay nghiết chì chiết vùi dập ngay một tác phẩm chỉ vì một vài chi tiết họ không vừa ý. Họ sẵn sàng soi mói từng hạt cát trong mắt người khác mà chẳng bao giờ nhìn thấy xô rác trên đầu mình. Họ chính là nỗi khiếp sợ đối với toàn bộ những nhà sản xuất phim lịch sử. Để làm được phim lịch sử cần có chiến lược đồng bộ lâu dài, đưa người ra nước ngoài học tập kinh nghiệm làm phim của các nước khác, nhất là Trung Quốc. Giống như Hàn Quốc trước đây cũng vậy, sẵn sàng đưa hàng nghìn người ra nước ngoài học về điện ảnh theo các kiểu thể loại khác nhau: Người học về biên kịch lịch sử, người học về cách diễn xuất cổ trang, người học về kỹ xảo điện ảnh CGI, người học về đạo diễn, người học về chỉ đạo võ thuật, người học về kỹ thuật sản xuất may vá trang phục cổ trang, kỹ thuật sản xuất chế tạo vũ khí, đắp dựng đền đài, phục vụ sản xuất phim cổ trang, nói chung làm gì cũng cần phải học, nhất là phải học một cách nghiêm túc, với đầy lòng trách nhiệm và tự hào, như một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. BÌNH NGÔ ĐẠI CHIẾN - VIỆT SỬ KIÊU HÙNG khi công chiếu trực tuyến đã thu hút được sự chú ý của khoảng 12000 người xem trực tuyến cùng lúc. So với khi Sơn Tùng ra mắt MV thì đúng là rất khập khiễng, bởi vì hai bên không cùng hệ quy chiếu. Nhưng 12000 người xem online cùng lúc cũng là một con số khá đáng mừng và đáng khen. Ngoài ra bộ phim được hoàn thành nhờ sự đóng góp từ cộng đồng 1.600 người với số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng. Điều này như một minh chứng, giới trẻ hiện nay vẫn còn rất nhiều người yêu thích lịch sử dân tộc. Đúng như trong video đã nói, trong lòng mỗi người dân Việt đều có lòng tự hào yêu thích sử Việt. Đuốc Mồi chỉ đốt lên một ngọn đuốc mồi để thổi bùng lên lòng tự hào sử Việt, tự trọng dân tộc, tự tôn quốc gia mãi mãi bùng cháy. MAKE ĐẠI VIỆT GREAT AGAIN !
người yêu thích