12 loại bánh kẹo ÁM ẢNH NGÀY TẾT: Kẹo ngô "huyền thoại" xếp luôn vị trí số 1
Dù có bao nhiêu loại bánh kẹo hiện đại mới ra thì khi nhắc về Tết, chắc chắn không thể thiếu sự xuất hiện của những huyền thoại dưới đây.
Tết truyền thống người Việt năm nào cũng phải có đủ bánh, mứt, kẹo, hướng dương,... thì mới gọi là Tết. Mỗi lần đi chúc Tết, tin rằng nhiều bạn rất thích thú với việc đến mỗi nhà sẽ được thưởng thức vô số những loại đồ ăn vặt khác nhau, loại nào ngon là y như rằng phải đút túi mang về ăn dần. Thế nhưng, có những loại kẹo bánh chỉ cần nhìn thôi cũng đã 'ngấy' đến tận cổ rồi, đặc biệt là 12 món ăn vặt dưới đây.
1. Kẹo ngô 'tồn tại cùng năm tháng'
Chẳng phải ngẫu nhiên mà kẹo ngô đứng đầu danh sách này khi thế hệ 7x, 8x, đầu 9x chắc cứ đi đâu ngày Tết là chứng kiến sự phủ sóng dày đặc của món kẹo này. Thậm chí, đến bây giờ khay mứt ở nhà cũng không thể thiếu đi món ăn huyền thoại này. Hương bắp kết hợp cùng vị ngọt của đường hoá học là nỗi ám ảnh cả mấy chục 'xuân xanh' của nhiều người.
Mâm bánh kẹo mà toàn màu vàng của kẹo ngô là tự động 'ngấy'
2. Hạt dưa cắn 'sái quai hàm'
Tết năm nào cũng vậy, 2 ứng cử viên sáng giá được người người yêu thích bởi độ bùi mà lại dễ tách hạt đó là hạt bí và hạt hướng dương. Nhưng hạt dưa với màu đỏ rực lại bị ghẻ lạnh đến chẳng ai thèm mua vì đã cứng lại còn mất nhiều thời gian tách vỏ. Có khi dân tình cắn đau cả hàm, bóc gãy cả móng tay cũng chẳng được hạt nào nguyên vẹn để ăn.
Bức hình toát lên vẻ khổ sở mỗi khi cắn hạt dưa
3. Mứt lạc 'trứng chim' trông đẹp mắt thôi
Không thể phủ nhận rằng, hạt mứt 'trứng chim' là món ăn ngày Tết tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Nhà ai bày cái này ra là thích lắm, chỉ nhăm nhe đút túi mang về, đến nỗi mỗi khi bóc hộp mứt, gói trứng chim bé tý cũng bị hội trẻ con tranh giành cho bằng được. Thế nhưng đó là câu chuyện của hàng chục năm trước, Tết nay nó đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người bởi độ ngọt, đặc biệt những người răng yếu nên tránh. Người lớn cũng không cho các em nhỏ tự ý ăn loại mứt này bởi nó có dạng tròn, trơn, dễ gây hóc hoặc nghẹn.
Gói trứng chim ngày ấy phải giành nhau cho bằng được!
4. Combo mứt bí - hạt sen 'ngọt khé cả cổ'
Nhâm nhi một chút thì ngon, chứ ăn nhiều thì có mà ngọt choáng đầu - những đặc điểm để mô tả chính xác về combo mứt bí và hạt sen. Trái ngược với mứt dừa được mọi người ưa chuộng thì mứt bí và mứt sen lại khá ngấy và cực kỳ béo. Đây cũng là hai món ăn vặt mà dân tình kháo nhau cần tránh xa 'cả km' mỗi dịp năm mới nếu muốn 'giữ dáng' xinh chơi Tết!
Độ ngọt của mứt bí - hạt sen thì một chín một mười
5. Bánh gấu 'nhìn là ngấy'
Bánh gấu được xem là món ăn tuổi thơ gắn bó với biết bao thế hệ. Bánh gấu là món ăn vặt quanh năm suốt tháng, từ ngày này qua ngày nọ, và iển nhiên đến Tết cũng chẳng thế vắng mặt. Có lẽ do vậy nên nó dần trở thành đồ ăn vặt 'nhìn là ngấy' trong khay bánh mứt mỗi nhà. Bánh có vỏ xốp dễ ăn, nhưng độ ngọt của nhân sữa bên trong thì không gì sánh bằng. Còn nếu ai là fan của đồ ngọt chính hiệu, thì bánh gấu chắc chắn không thể thiếu trong danh sách.
Món ăn vặt của bao người trở nên ám ảnh mùa Tết
6. Kẹo dẻo ú nu phủ đường 'dày cộp'
Kẹo dẻo với đủ sắc màu luôn là món ăn vặt ngon mê ly đối với lũ trẻ con, vừa ngọt vừa dẻo nhai rất vui miệng. Nhưng đối với hội giảm cân, giữ dáng hay những bạn thích đồ thanh đạm, thì cứ nhìn thấy mấy em kẻo dẻo 7 sắc cầu vồng ngày Tết là tránh xa.
7. Hạt hướng dương 'tươi hồng'
Tết cắn lách tách hướng dương cả ngày mà không biết chán đúng không nào! Đây là loại hạt vừa bày biện đẹp mắt trên khay bánh kẹo, vừa mang đúng “tinh thần Tết” mà lại không gây béo.
8. Nho khô tốt cho sức khỏe
Ngay cả những người ăn kiêng hoặc giảm cân cũng có thể ăn nho khô vì nho khô có thể giúp kiểm soát cảm giác thèm ngọt và tăng năng lương cho cơ thể. Phụ nữ mang thai nên ăn nho khô để thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể và tăng cường oxy cho máu vì nho khô rất giàu chất sắt. Do đó nho khô là một vị thuốc hiệu quả để trị bệnh thiếu máu.
9. Socola đồng tiền - tận dụng cho Valentine
Xuất hiện phổ biến trên khay bánh kẹo các gia đình trong ngày Tết, socola tiền vàng thường được dân tình đùa nhau để… tận dụng trong Valentine (dù là đùa thôi nhưng cũng có người làm thật đó). Trớ trêu thay, socola tiền vàng đã không ít lần khiến mọi người nhầm lẫn, tuy cụt hứng nhưng cũng… buồn cười.
10. Chè lam - món ăn dân dã
Chè lam vốn là món ăn dân dã, có ở nhiều vùng miền, nhưng mỗi vùng lại đem tới một hương vị và cách chế biến khác nhau. Nhắc tới chè lam, nhiều người thường nghĩ ngay đến thương hiệu chè lam Thạch Xá nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội, hay chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)… Chè lam là món ăn mà vị của nó gợi nhắc cho con người ta thời khắc đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
11. Táo tàu
Táo tàu là một loại quả quá quen thuộc. Táo tàu có nhiều loại với nhiều vị chua ngọt khác nhau. Tết đến xuân về nhà nào cũng có đĩa táo để tráng miệng. Ngoài ăn sống thì táo tàu còn được dùng để làm mứt. Mứt táo ăn dai dai ngòn ngọt nhưng trong mỗi hộp mứt chỉ có vài quả làm ta thòm thèm.
12. Ô mai
Với nhiều người, mâm cỗ ngày tết không thể thiếu những đĩa ô mai chua chua ngọt ngọt được. Đây không chỉ là món ăn vặt, ăn chơi truyền thống mà còn là thức đãi khách của nhiều gia đình. Miền Nam, ô mai còn có tên gọi “thân thương” hơn là xí muội. Còn miền Bắc, ô mai đơn giản là các loại quả như mận, mơ, nho… được sấy khô và tẩm ướp hương liệu. Ăn nhiều ô mai thành quen, có người còn bị “nghiện”.
Với những món ăn vặt ám ảnh ngày Tết phía trên, khay mứt nhà bạn 'đồng cảm' được bao phần?
Tổng hợp